Thanh nhiệt, lợi thấp
Bệnh đái tháo đường theo y học cổ truyền thuộc phạm vi chứng tiêu khát. Theo Đại Y thiền sư Tuệ Tĩnh: Tiêu khát là chứng trên thì muốn uống nước, dưới thì ngày đêm đi tiểu rất nhiều, nguyên nhân do dâm dục quá độ, trà rượu không chừng, hoặc ăn nhiều đồ xào nướng, hoặc uống thuốc bằng kim thạch làm cho khô kiệt chất nước trong thận, khí nóng trong tâm cháy rực, tam tiêu bị nung nấu, ngũ tạng khô ráo, từ đó sinh ra chứng tiêu khát.

Chứng tiêu khát được ghi nhận trong y học cổ truyền từ lâu
Tiêu khát được các y gia cổ mô tả từ rất sớm. Bởi vậy, nhiều món ăn bài thuốc cũng được nghiên cứu để hỗ trợ điều trị chứng bệnh này. Trong đó, bí đao là một vị thuốc tiêu biểu, với tên gọi là đông qua. Theo Đông y, bí đao có vị ngọt, tính hàn, không độc. Quy kinh tỳ, vị, đại tràng, tiểu tràng. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, lợi niệu, tiêu phù thũng, tiêu viêm, chỉ thống, chống ho, tiêu khát… Hạt bí đao có vị ngọt, hơi hàn. Quy kinh phế, vị, tiểu tràng, đại tràng, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, hóa đàm, trừ mủ, giải độc, trừ giun.
Thực tế, y học hiện đại cũng đã bắt tay vào nghiên cứu tác dụng chữa bệnh tiểu đường của bí đao. Theo đó, một nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Sinh – ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đã thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình bệnh lý tiểu đường trên chuột và khảo sát khả năng ổn định đường huyết của trái bí đao non” và đạt kết quả khả quan. Được biết, nghiên cứu này bắt nguồn từ một bài thuốc dân gian. Người bị tiểu đường nên uống nước luộc từ những trái bí đao non (Benincasa Hispida).
Nghiên cứu này đã tập trung vào xây dựng một mô hình động vật mắc bệnh tiểu đường và ứng dụng mô hình này để kiểm tra khả năng ổn định đường huyết của các loại dược liệu, cụ thể, trái bí đao non. Động vật sử dụng trong nghiên cứu này là loại chuột nhắt trắng, sạch bệnh do Viện Pasteur TP.HCM cung cấp. Chuột nhắt sau khi làm cho bị mắc bệnh, sẽ được ăn bí đao non trong vòng 30 ngày.

Bí đao được chứng minh tác dụng ổn định đường huyết
Trong giới hạn của thời gian khảo sát (một tháng), nhóm nghiên cứu bước đầu nhận thấy, việc cho ăn bí đao non với liều 1g/con/ngày, kết hợp với uống nước nấu từ bí đao non có tác dụng ổn định đường huyết của chuột. Từ ngày 0 đến ngày thứ 20, đường huyết của những con chuột bệnh có xu hướng giảm và đến ngày 30, giá trị đường huyết của chuột bệnh ở một mức không quá cao so với đường huyết của chuột bình thường (75 ±7mg/dl).
Đề tài nghiên cứu này đã được báo cáo trong hội nghị khoa học lần thứ 6 của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức vào ngày 14/11/2008.
Đa công dụng
Theo GS. TS. Phạm Xuân Sinh, người bị đái tháo đường tuýp 1, hàng ngày dùng bí đao dưới dạng nấu canh, nấu cháo ăn hoặc ép lấy nước uống. Hoặc có thể sử dụng một số bài thuốc sau:
Bài 1: Đông qua bì 100g, củ mài 30g, lá sen tươi 60g. Sắc uống 2- 3 lần trong ngày. Uống nhiều ngày. Trị háo khát, uống nhiều, tiểu nhiều.
Bài 2: Đông qua bì 50g, hoàng liên 12g. Sắc uống ngày 3 lần, có tác dụng thanh vị nhiệt, sinh tân, chỉ khát. Dùng tốt cho trường hợp đái tháo đường tuýp 1, thường xuyên háo khát, đi tiểu nhiều lần trong ngày.
Bài 3: Đông qua bì, vỏ dưa hấu mỗi vị 15g, thiên hoa phấn 12g. Sắc uống, ngày 1 thang. Trị đái tháo đường, háo khát.
Bài 4: Đông qua tử (hạt bí đao), mạch môn đông, hoàng liên, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 2-3 lần. Uống nhiều ngày, tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát.

Một ly nước ép bí đao mỗi ngày rất tốt cho người bệnh tiểu đường
Bên cạnh đó, bí đao còn là thành phần chính trong nhiều bài thuốc chữa bệnh khác. Điển hình như:
Trị viêm thận cấp tính, phù thũng: Đông qua bì, bạch mao căn, mỗi vị 30g. Sắc uống ngày 1 thang, uống nhiều ngày.
Trị ho do nhiệt: Đông qua bì sắc nước, thêm mật ong, uống nhiều lần trong ngày.
Trị đau lưng do chấn thương: Đông qua bì sao vàng, tán bột, uống, mỗi lần 3g, ngày 2-3 lần.
Trị viêm bàng quang, tiểu đục, tiểu buốt, rắt: Đông qua bì 12g, sắc uống nhiều lần trong ngày. Uống nhiều ngày.
Trị tiểu đục ở nam giới, bạch đới ở nữ giới: Đông qua tử sao vàng, tán bột mịn, mỗi lần 9g, uống với nước cháo. Uống nhiều ngày.
Trị ung nhọt ở phổi hoặc ở đại tràng: Đông qua tử sao vàng, bồ công anh, kim ngân hoa, ý dĩ (để sống), diếp cá, mỗi vị 40g; rễ lau 20g, đào nhân, cát cánh, cam thảo, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống nhiều ngày.
Phạm Ngọc (t/h)