Cách cầm máu tạm thời

Dưới đây là cách xử trí khi bị chảy máu ngoài, với những vết thương nặng nhằm cầm máu, chống nhiễm khuẩn, chống sốc cho nạn nhân. Bạn cũng nên biết thêm, trong các vết thương trầm trọng, động mạch, tĩnh mạch, mao mạch của nạn nhân đều bị tổn thương.

Nạn nhân bị chảy máu trầm trọng là một trường hợp nặng trong cấp cứu. Khi bị tai nạn giao thông, lao động hay sinh hoạt, có thể nạn nhân bị chảy máu ngoài hay chảy máu trong. Những lúc này, cầm máu càng sớm thì tai biến càng ít. Đặc biệt, chảy máu trong khó cầm hơn nên phải cấp cứu khẩn cấp, ưu tiên.

cach cam mau tam thoi
Cầm máu tạm thời đúng cách góp phần quan trọng giúp nạn nhân tránh nguy cơ tử vong.

Nếu tổn thương động mạch, máu phun ra thành tia, vòi, theo nhịp đập của tim, máu có màu đỏ tươi. Nếu tổn thương tĩnh mạch, máu chảy chậm hơn và có màu đỏ sẫm hơn. Tổn thương mao mạch thì máu chảy rỉ rỉ và nó tự cầm trong vài ba phút. Băng ép là phương pháp cầm máu hiệu quả nhất. Theo đó, chúng ta cần cởi hoặc cắt theo đường chỉ may quần, áo nạn nhân ra để bộc lộ vết thương. Tìm xem có vật lạ, vật nhọn, sắc có thể làm cho họ bị tổn thương, lấy hết dị vật ra nếu được. Lấy gạc vô trùng, vải sạch hoặc khăn tay đắp lên vết thương. Dùng các ngón tay và lòng bàn tay ép chặt lên vết thương (nhớ dùng găng tay cao su hoặc bao nylon, bao xốp để an toàn). Nếu nạn nhân không bị gãy xương, đưa chi bị thương lên cao hơn tim một cách nhẹ nhàng. Đỡ nạn nhân nằm xuống làm giảm máu chảy đến các vết thương. Giữ miếng gạc rồi dùng băng cuộn sạch vô khuẩn, băng ép lên vết thương thật chắc (có thể dùng khăn choàng, quàng hoặc cà vạt) nhưng đừng quá chặt làm sự lưu thông máu bị tắc nghẽn. Nếu băng rồi mà máu còn thấm ra ngoài thì băng phụ thêm một lớp nữa (cho chặt thêm). Bảo đảm an toàn và nâng đỡ phần bị thương lên cao (treo tay, kê cao chân).

Ấn chặn các mạch máu và xương, chúng ta dùng ngón tay cái hoặc nắm tay để ấn chặn các động mạch cảnh (cổ), dưới đòn, nách, cánh tay trong, khuỷu tay, sau đùi, nhượng chân sau đầu gối. Ngày nay, việc dùng ga-rô hầu như không được sử dụng. Khi nào cần thiết lắm mới sử dụng ga-rô, nếu biện pháp cầm máu tạm thời không hiệu quả, hay chi bị đứt lìa. Nếu đặt ga-rô thì để trên vết thương 5cm và 60 phút phải nới từ từ ga-rô. Phải có phiếu ga-rô và vải đỏ kèm theo khi chuyển thương. Khi chi (tay, chân, ngón tay, ngón chân…) bị đứt lìa, việc đầu tiên là phải ướp đá chi để mang đến bệnh viện cho bác sĩ khâu nối lại. Tuy nhiên, bạn không nên bỏ chi trực tiếp vào nước đá, như thế sẽ làm cho các tế bào bị tiêu diệt. Cách xử trí đúng là rửa sạch chi đứt lìa rồi bỏ vào bao nylon sạch, thổi phồng bao, cột lại rồi ướp nước đá bên ngoài, xung quanh bao.