Co giật được chia làm 2 nhóm chính: Co giật động kinh và co giật không phải động kinh.
Co giật không phải động kinh bao gồm: Co giật đi kèm với sốt (sốt co giật, co giật do nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương: Viêm não, viêm màng não…) Co giật không kèm theo sốt (co giật do thiếu oxy não, thiếu máu não, co giật do rối loạn chuyển hóa: hạ đường máu, hạ canxi máu, hạ magne máu…, co giật do nhiễm độc khí CO, NO, khí nổ…).
1. Thế nào là sốt co giật?
Sốt co giật là những cơn co giật xảy ra ở trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi, đi kèm với sốt. Những trẻ này trước đó không hề bị các bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, bệnh rối loạn chuyển hóa và chưa từng có các cơn co giật không kèm theo sốt.
Sốt co giật được chia làm 2 loại: Sốt co giật đơn giản và sốt co giật phức tạp.
– Sốt co giật đơn giản là tình trạng co giật xảy ra ở trẻ từ 5 tháng – 5 tuổi với những đặc điểm :
+ Thường sốt cao trên 39 độ C.
+ Cơn co giật toàn thân, ngắn, thường kéo dài dưới 5 phút.
+ Sau cơn co giật trẻ tỉnh táo hoàn toàn, không yếu liệt khu trú.
+ Trẻ phát triển bình thường, không bị các bệnh của hệ thần kinh trung ương như viêm não, viêm màng não.
– Sốt co giật phức tạp xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi với những đặc điểm :
+Tiền sử gia đình có người bị động kinh
+ Co giật cục bộ ở một nửa người.
+ Co giật kéo dài trên 15 phút.
+ Nhiều cơn co giật xảy ra trong cùng 1 đợt sốt.
+ Có triệu chứng yêu liệt khu trú sau cơn co giật
+ Sốt nhẹ đã bị co giật
Sốt co giật phức tạp có nguy cơ bị động kinh, tỉ lệ bị động kinh tỉ lệ thuận với các triệu chứng nặng kể trên (50% sẽ bị động kinh nếu có trên 3 triệu chứng nặng). Việc điều trị sớm động kinh sẽ hạn chế trở thành động kinh kháng trị.
2. Những trẻ nào có nguy cơ bị co giật do sốt?
![]() |
Trẻ nhỏ ở độ tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi là những trẻ có nguy cơ bị co giật do sốt. Nguy cơ này rõ ràng hơn ở những trẻ bản thân đã từng bị hoặc gia đình, ba mẹ hay anh chị em, có người bị co giật do sốt lúc nhỏ. Co giật do sốt xảy ra ở 4% trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi. Khoảng 30% trẻ em từng bị co giật do sốt sẽ còn bị thêm ít nhất một lần nữa trong vòng 2 năm sau đó. Nguyên nhân do khả năng điều nhiệt ở trẻ em nhỏ còn yếu nên dễ bị sốt với nhiệt độ tăng nhanh. Hệ thần kinh và vỏ não chưa phát triển đầy đủ tương xứng vì vậy các quá trình kích thích hưng phấn có xu hướng lan toả gây ra phản ứng co giật toàn thân do sốt. Đến 6 tuổi, khi tổ chức não trưởng thành thì tình trạng này không xảy ra nữa.
3. Phụ huynh nên làm gì khi trẻ bị sốt co giật?
![]() |
Khi trẻ bị sốt co giật, phụ huynh phải giữ bình tĩnh để giúp trẻ an tâm, xử trí đúng và thực hiện tuần tự các biện pháp khẩn cấp sau đây:
– Tránh để cho trẻ bị chấn thương khi co giật bằng cách nhẹ nhàng đặt trẻ nằm trên sàn nhà. Nếu là trẻ nhỏ có thể đặt trẻ nằm đầu thấp vào lòng bạn. Nếu nằm trên giường phải đảm bảo trẻ không bị ngã xuống đất, không kềm giữ trẻ mạnh tay.
– Xoay đầu trẻ nghiêng qua một bên để giúp cho đàm nhớt và chất nôn ói dễ chảy ra ngoài làm sạch đường thở và trẻ không bị sặc.
– Phải bảo đảm rằng trẻ thở tốt ( nhìn thấy lồng ngực trẻ di động, nhịp thở không quá nhanh hoặc quá chậm,..) và sắc mặt không đổi màu ( vẫn còn sắc hồng trên mặt). Nếu thấy trẻ bị xanh tím hoặc là chuyển sang một màu khác, hoặc là cơn co giật kéo dài hơn 10 phút, hãy đưa trẻ đi cấp cứu.
4. Sau cơn co giật:
– Kiểm tra xem trẻ có bị thương hay không
– Hạ sốt cho trẻ càng nhanh càng tốt. Hạ sốt nhanh bằng cách đặt hậu môn thuốc toạ dược paracetamol, 10 – 15mg/kg, (dùng viên toạ dược 80 mg cho trẻ dưới 1 tuổi, viên 150 mg cho trẻ trên 1 tuổi). Kết hợp lau mát bằng nước ấm hoặc nước thường trong vòng 20 phút. Ðắp khăn ướt ở những vùng có mạch máu lớn nằm sát da như nách, bẹn. Chấm dứt lau mát khi nhiệt độ thấp hơn hay bằng 38,5 0C.
Đưa trẻ đến bệnh viện ngay Những điều phụ huynh không nên làm trong khi trẻ bị sốt co giật: • Không đè trẻ hoặc là cố gắng để cố định trẻ. • Không đặt trẻ nằm ngửa • Không nhét bất cứ vật gì vào trong miệng của đứa trẻ nhằm mục đích ngăn không cho trẻ cắn vào lưỡi vì động tác này có thể gây chấn thương cho răng của trẻ. • không vắt chanh vào miệng trẻ, không cho vào miệng trẻ bất cứ thứ gì khi trẻ đang co giật, kể cả thuốc hoặc các loại nước vì có thể gây hít sặc, tắc đường thở dẫn đến tử vong. • Không quấn kín trẻ • Không nhấn đứa trẻ vào trong nước để cố gắng hạ sốt cho trẻ. • Không dùng nước đá làm mát trẻ vì nước đá gây co mạch ngoại vi làm cản trở cho sự mất nhiệt. Không dùng rượu hay cồn vì những chất này tuy dùng ngoài da nhưng vẫn gây ngộ độc cho trẻ nhỏ. chen anh |
Theo Tạp chí Sức Khỏe