Có gì trong bài thuốc dưỡng nhan của Nguyên Phi Ỷ Lan

Bí quyết từ cây dâu tằm

Nguyên Phi Ỷ Lan là phi tần của hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam. Bà đã hai lần đăng đàn nhiếp chính, giúp đất nước dưới triều Lý được hưng thịnh. Ngoài tài năng hơn người thì Nguyên Phi Ỷ Lan cũng được sử sách đánh giá là người phụ nữ đẹp. Chẳng thế mà bà đã khiến hoàng đế xiêu lòng ngay từ lần gặp đầu tiên.

 

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ toàn thư, quyển 3) chép:…”Tục truyền rằng vua (Lý Thánh Tông) cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi chơi khắp chùa quán. Xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu phong làm Ỷ Lan phu nhân”…

 

Bài thuốc dưỡng nhan của Nguyên Phi Ỷ Lan

Nguyên Phi Ỷ Lan sở hữu trí tuệ và sắc đẹp hơn người (Ảnh minh họa)

 

Ỷ Lan không lấy việc chau chuốt nhan sắc mong chiếm được tình yêu của vua mà khổ công học hỏi, miệt mài đọc sách, quan tâm đến hết thảy mọi công việc trong triều đình. Tuy vậy, bà vẫn giữ được lan da trắng hồng và khuôn mặt xinh tươi rạng rỡ làm hoàng đế ngơ ngẩn ngày nào.

 

Tương truyền, bài thuốc duy nhất mà Nguyên Phi Ỷ Lan dùng để chăm sóc ngoại hình là cây dâu tằm đã gắn bó với từ thời thiếu nữ. Sau khi vào cung, bà có kết hợp thêm hai thành phần khác nữa là gai bồ kết và đẳng sâm. Theo lương y Phó Hữu Đức (Chủ tịch Hội Đông y Cầu Giấy, Hà Nội), bài thuốc trên mang tính truyền miệng của dân gian vì chưa có tài liệu Đông y nào ghi nhận. Tuy nhiên xét về từng thành phần bài thuốc thì đúng là đều có lợi cho nhan sắc phái đẹp.

 

Về cây dâu tằm, còn gọi là tang thầm, bộ phận thường được sử dụng nhất là lá và rễ. Theo Đông y, tang thầm có vị ngọt, tính hàn, vô độc; vào 2 kinh Can và Thận. Có tác dụng tư âm dưỡng huyết, tức phong (trừ gió độc), an thần ích trí, sinh tân chỉ khát, nhuận tràng thông tiện, minh nhĩ mục (thính tai sáng mắt) và ô tu phát (làm đen râu tóc). Từ đó, nó có hiệu quả dưỡng nhan cho phái đẹp.

 

Về gai bồ kết, y học cổ truyền gọi là “Tạo giác thích”. Nó không chỉ được biết đến như một vị thuốc cực kỳ hữu hiệu để trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng mà còn đặc biệt hiệu quả trong quá trình trị mụn. Tạo giác thích có vị cay nhẹ, không mùi, tính ấm, không độc, có khả năng thác độc, bài nùng, sát trùng và cải thiện các triệu chứng sưng tấy.

 

Còn đẳng sâm (rễ phơi hay sấy khô của cây đảng sâm) có vị ngọt, tính bình; vào kinh tỳ và phế. Có tác dụng bổ trung, ích khí, sinh tân, kiện tỳ, dưỡng huyết, rất tốt cho nhan sắc chị em. Đẳng sâm cũng là thành phần trong nhiều bài thuốc trị nám, tàn nhang. “Tuy nhiên, để tạo thành một phương thuốc dưỡng nhan hiệu quả thì cần nhiều thành phần bổ trợ khác nữa”, lương y Đức cho biết.

 

Thảo mộc cho phái đẹp

Thực tế, dâu tằm đã được công nhận tác dụng làm đẹp. Tất cả các bộ phận của loại cây này đều được người xưa ứng dụng để giúp làn da trắng hồng, mịn màng. Đầu tiên là lá (tang diệp). Dân gian lưu truyền công thức tắm trắng từ là dâu tằm là: Lá dâu tằm rửa sạch rồi xay nhuyễn, trộn đều với mật ong để tạo thành một dung dịch sền sệt. Sử dụng hỗn hợp này để tằm có tác dụng làm sạch, làm sáng da.

 

Theo nghiên cứu hiện đại, lá dâu tằm có chứa thành phần alpha hydroxy axit – là một trong những chất có tác dụng loại bỏ tế bào chết, tái tạo tế bào mới, làm trắng da tự nhiên hiệu quả. Bên cạnh đó, lá dâu tằm còn chứa khoáng chất, vitamin và amino acid có trong mật ong, giúp nuôi dưỡng làn da, dưỡng ẩm, làm sạch, chống lại các vi khuẩn, đồng thời còn giúp chống lão hóa da tốt.

 

Bài thuốc dưỡng nhan của Nguyên Phi Ỷ Lan

Tất cả các bộ phận của cây dâu tằm đều có tác dụng dưỡng nhan

 

Rễ dâu tằm (tang bạch bì) cũng là bộ phận chứa nhiều lợi ích cho phái đẹp. Người xưa thường sấy khô đem xay nát thành dạng bột, rồi trộn với ít nước thoa đều lên vùng da cần làm trắng.

 

Theo các nghiên cứu hiện đại thì rễ cây dâu tằm rất giàu vitamin A, vitamin C và vitamin E, có tác dụng thẩm thấu sâu vào trong da, hấp thụ tối đa vết thâm sạm, giúp làn da tươi sáng, rạng rỡ hơn. Ngoài ra, rễ dâu tằm còn được coi như loại thuốc để chữa nhiều loại bệnh như ho, phù thủng, tiểu tiện không thông, rụng tóc…

 

Bài thuốc dưỡng nhan của Nguyên Phi Ỷ Lan

Trái dâu tằm kết hợp với sữa chua là công thức đơn giản giúp chị em có làn da trắng sáng

 

Ngoài lá và rễ, quả dâu tằm cũng là thành phần thiên nhiên nằm trong rất nhiều công thức mặt nạ dưỡng da. Điều khá thú vị là loại tằm vàng nuôi bằng lá dâu cũng cho ra loại kén chứa hàm lượng protein cao, được sử dụng trong một số phương pháp chăm sóc da tại các thẩm mỹ viện.

 

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp có chiết xuất từ dâu tằm bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Chị em không còn phải tốn nhiều thời gian chế biến mà vẫn có thể được hưởng lợi ích từ loại thảo mộc này. Tuy nhiên, phái đẹp cũng cần lưu ý chọn những nhãn hàng uy tín để đảm bảo chất lượng.

 

Mặt nạ quả dâu tằm

Nguyên liệu:

20 quả dâu tằm

1 hộp sữa chua không đường

Cách làm:

Nghiền nát dâu tằm, thêm sữa chua vào để có được hỗn hợp sền sệt. Sau đó, thoa đều lên mặt và cổ. Dâu tằm và sữa chua là những nguyên liệu hoàn hảo giúp cung cấp độ ẩm cho làn da khô của bạn. Hãy sử dụng 2-3 lần 1 tuần để có được làn da mềm mại, trắng sáng, mượt mà.

 

Ngọc Hân (t/h)