Cơ may thoát khỏi ung thư tuyến tiền liệt

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 16/2 đã trải qua ca phẫu thuật thành công điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Bác sĩ Nguyễn Đức Khoan, Khoa Niệu – Bệnh viện Quốc tế Thành Đô cho biết, tuyến tiền liệt là tuyến ngoại tiết trong hệ sinh sản nam giới. Tuyến có hình trái dâu, nằm dưới cổ bàng quang, bọc quanh đoạn đầu niệu đạo, có thể sờ được ở mặt trước trực tràng. Tuyến tiết ra dịch trắng đục góp phần tạo ra tinh dịch.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong), 63 tuổi, mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt và được phẫu thuật để loại bỏ tuyến tiền liệt vào ngày 16/2 với sự hỗ trợ của robot. Ảnh: AP

Theo bác sĩ Khoan, tuyến tiền liệt có thể mắc phải một số bệnh lý. Thông thường nhất là viêm và bướu. Viêm tuyến tiền liệt xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều hơn ở thanh niên. Viêm có nhiều dạng:

– Viêm cấp do nhiễm trùng có biểu hiện tiểu nhiều lần, tiểu rát, buốt, nóng. Bệnh nhân có thể sốt, đau ở tầng sinh môn, niệu đạo và bụng dưới. Điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm phù hợp, đủ liều, đủ thời gian.

– Viêm mạn do nhiễm trùng có thể do di chứng của viêm cấp. Triệu chứng như trên nhưng nhẹ hơn và kéo dài, điều trị khó khăn và lâu dài hơn.

– Viêm mạn không do nhiễm trùng (xét nghiệm không phát hiện được nhiễm trùng). Dạng này thường gặp nhất, có thể đến 95%. Triệu chứng là nóng rát, cảm giác châm chích ở tầng sinh môn, dọc niệu đạo nhất là khi rảnh rỗi. Dạng viêm này còn có tên là hội chứng đau vùng chậu mạn. Điều trị phức tạp, hiệu quả không rõ. Nhiều phương án như kháng alpha, thảo dược, vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu, chống lo âu, kích thích điện sinh lý…

– Bướu lành tuyến tiền liệt, xảy ra khi lớn tuổi, tuyến lớn dần đến mức độ nào đó thì gây ra tiểu khó. Điều trị theo mức độ triệu chứng nặng nhẹ. Bệnh mới tiến triển có thể theo dõi, thuốc uống. Nếu kém hiệu quả thì có thể nội soi cắt đốt.

– Ung thư tuyến tiền liệt hay xuất hiện khi càng lớn tuổi nhưng phần lớn tiến triển chậm.

Hiện nay chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Bệnh thường gặp nhiều hơn ở nước phát triển, người Mỹ gốc Phi châu, tiền sử gia đình có người từng bị bệnh. Các nước phát triển có thể do ăn uống nhiều chất béo, ít chất xơ hay do phương tiện phát hiện tốt hơn.

Bác sĩ Nguyễn Đức Khoan cho biết, giai đoạn sớm ít có triệu chứng, muốn tầm soát thường dùng xét nghiệm máu PSA. Gần đây có xét nghiệm trong nước tiểu EN2. Nếu PSA cao có thể sinh thiết tuyến tiền liệt. Sinh thiết nếu thấy ung thư thì cũng biết độ mô học Gleason. Nếu chỉ số Gleason từ 6 trở xuống thì thuộc loại nguy cơ thấp, tiến triển chậm, ít nguy hiểm chỉ cần theo dõi. Nếu Gleason từ 7 trở lên được xếp vào nhóm nguy cơ cao thì có thể điều trị.

Một số dấu hiệu thường gặp của bệnh là thay đổi thói quen tiểu tiện, tiểu đêm hoặc tiểu chậm, đau bất thường hoặc có máu trong nước tiểu, tinh dịch… Điều trị có thể là điều trị nội tiết, hóa trị, xạ trị, phẫu thuật tùy theo giai đoạn bệnh, sức khỏe, tuổi của bệnh nhân. Điều trị thường kéo dài và thường bệnh nhân mất vì bệnh khác. Gần đây có quan điểm không nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt ở người bình thường vì hại do tầm soát, chẩn đoán, điều trị nhiều hơn là lợi.

Lê Phương