Rốn là cầu nối yêu thương giữa mẹ và con. Qua rốn, máu từ mẹ sang nuôi thai nhi lớn lên từng ngày trong bụng mẹ. Lúc trẻ cất tiếng khó, chào đời, dây rốn được cắt. Kể từ lúc đó, rốn không còn giữ chức năng nuôi dưỡng em bé nữa, nó sẽ teo lại, khô dần và rụng đi, để lại dấu ấn mà con người ai cũng có.
![]() |
Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh
• Chúng ta hoàn toàn có thể săn sóc rốn cho bé tại nhà theo cách như sau:
• Rửa tay thật sạch bằng xà bông, sau đó sát trùng với cồn 70- 90 độ.
• Dùng tay trái nâng nhẹ đầu cuống rốn lên để lộ phần chân rốn.
• Lấy tăm bông tẩm dung dịch povidin 10% bôi xung quanh chân rốn, sau đó bôi từ chân rốn lên cuống rốn, từ trong chân rốn ra ngoài vùng da xung quanh ( không được làm ngược lại vì sẽ mang vi trùng từ ngoài vào rốn, dễ gây nhiễm trùng).
• Chờ khi rốn bé khô, lấy gạc vô trung quấn quanh chân rốn và băng lại bằng vòng băng thun vô trùng.
• Công việc này cần được thực hiện mỗi ngày cho đến khi rốn bé rụng, khô sạch hoàn toàn.
Bình thường rốn trẻ sơ sinh sẽ khô dần và rụng sau 7 – 10 ngày, nếu sau 2 tuần rốn chưa rụng và ẩm ướt, cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay để được khám và tư vấn.
Các vấn đề thường gặp ở rốn
Các vấn đề thường gặp ở rốn là nhiễm trùng rốn, chảy máu rốn, u hạt rốn, thoát vị rốn….
+ Nhiễm trùng rốn : Rốn nhiễm trùng khi nó trở nên ẩm ướt, rỉ dịch vàng hay nâu, hôi. Đôi khi, da quanh rốn tấy đỏ và sưng lên, cần đưa bé đi khám ngay.
+ Chảy máu rốn: Nếu rốn chảy máu đỏ tươi, cần phải cầm máu ngay và đưa bé đến gặp bác sĩ.
+ Chồi rốn: Một số cuống rốn sau khi rụng đi để lại chồi nhỏ, gọi là u hạt rốn . Bản chất của các chồi này chính là mô hạt, các sợi bào, các mạch máu nhỏ. Đây là hậu qủa của quá trình nhiễm trùng nhẹ, kéo dài. Tùy theo kích thước to, nhỏ, dài hay ngắn mà các chồi này sẽ được điều trị bằng phương pháp cột lại hay chấm thuốc để giúp rốn khô và rụng đi nhanh hơn.
+ Thoát vị rốn: Đôi khi chúng ta gặp bé có rốn lồi to, thuật ngữ y khoa gọi là “Thóat vị rốn”. Thóat vị rốn là hiện tượng thành bụng bị hở một lỗ nhỏ, ruột non chui qua lỗ hở và phình lên. Nếu để tự nhiên, rốn lồi cũng có thể tự lành sau thời gian một vài năm. Rốn lồi chỉ ảnh hưởng vế mặt thẩm mỹ và thường không nguy hiểm, ngoại trừ vài trường hợp hiếm hoi : ruột non chui vào lỗ hở nhưng không tự chui ra được và kẹt lại (gọi là thoát vị nghẹt) phải mổ cấp cứu ngay. Triệu chứng thoát vị nghẹt gồm: trẻ khóc thét từng cơn, có thể có nôn ói, rốn lồi không xẹp lại khi ấn nhẹ. Thoát vị rốn có thể được điều trị ở bất kỳ tuồi nào của trẻ, bằng phương pháp phẫu thuật vá lỗ hở thành bụng.
* Lưu ý: Nhiều bậc cha mẹ tự ý xử lý rốn lồi bằng cách lấy đồng xu đặt lên chỗ lồi và dùng băng thun ép lại. Đây là một việc làm hoàn toàn sai vì sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến hô hấp, tiêu hóa cũng như sự phát triển của trẻ.
BS. Nguyễn Ánh Tuyết
Trưởng Khoa Bệnh Lý Sơ Sinh – BV Nhân Dân Gia Định
Tạp chí Sức Khỏe