Tác hại cả đời vì hàm răng lệch lạc từ bé
![]() |
Hàm răng bị lệch lạc sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chức năng nhai và thẩm mỹ. |
Mất răng sữa sớm, răng mọc lệch lạc tạo khớp cắn không đều gây nên hai ảnh hưởng lớn:
Thứ nhất: Ảnh hưởng đến chức năng nhai. Trẻ có hàm không cân đối, răng mọc không đều sẽ khiến khớp cắn bị lệch, vì vậy thái dương hàm – là vùng khớp trước tai nối từ hàm dưới với hàm trên – bị đau khi nhai. Ngoài ra, việc khó khăn khi nghiền nát thức ăn, bị đau khiến trẻ sợ ăn hoặc biếng ăn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Từ đó, vì cung cấp không đủ dưỡng chất nên bé có thể bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa.
Thứ hai: Răng – hàm lệch lạc nếu không được chỉnh hình sớm sẽ ảnh hưởng đến sự thẩm mỹ của gương mặt, khiến mặt bé mất cân đối như hàm hô ra, tụt vào, bị lệch… Điều này tác động rất lớn đến cuộc đời của trẻ khi trưởng thành.
8 tuổi: Độ tuổi lý tưởng
Nếu chú ý một chút, bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra những bất thường ở răng hàm của con. Đó là khi bé kêu đau, ăn khó, răng mọc lệch, hàm mất cân đối khiến mặt mất cân đối…
Để bé được chăm sóc răng miệng tốt, ngay từ khi lên 3 tuổi, các bậc phụ huynh nên đưa con đến nha sĩ làm quen với việc kiểm tra răng miệng. Điều này giúp bác sĩ nha khoa dễ dàng phát hiện ra những bệnh lý về răng cho bé như: sâu, xiết, viêm nha chu, sưng răng, sưng nướu… và điều trị kịp thời. Nhờ thế, răng sữa sẽ được chăm sóc tốt hơn.
![]() |
Hãy giúp trẻ có được gương mặt cân đối và hàm răng đều đẹp nhờ chỉnh hình từ sớm. Điều này sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống |
Đến 8 tuổi, bố mẹ phải đưa con đến bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình răng hàm mặt để kiểm tra cho bé. Đây là giai đoạn đầu tiên, lý tưởng nhất để phát hiện và chỉnh hình hàm mặt cho trẻ. Vì ở tuổi này, bé vừa còn răng sữa vừa có răng vĩnh viễn nên phù hợp nhất để kiểm tra cung hàm răng.
Nếu bố mẹ đưa bé đi chỉnh nha sớm hơn 8 tuổi, bé chưa thay răng nên sẽ rất khó để xác định cung hàm và kích thước răng vĩnh viễn. Để muộn hơn, khi phát hiện hàm và răng vĩnh viễn không tương xứng, nếu muốn thực hiện việc điều chỉnh cũng sẽ khó khăn hơn.
Cần lưu ý: Chỉnh hình hàm mặt khác với chỉnh hình răng. Từ trước đến nay, mọi người thường được khuyên rằng 12 tuổi là độ tuổi lý tưởng đến chỉnh răng. Điều này đúng nhưng chỉ với trường hợp cần chỉnh răng mà không cần điều chỉnh hàm. Còn thời điểm lúc 8 tuổi là lý tưởng chỉnh hình hàm, nhằm tạo sự cân đối cho khuôn mặt và giúp răng mọc đúng vị trí.
Nếu không chỉnh hình răng hàm mặt khi còn bé sẽ làm gương mặt mất cân đối. Để quá tuổi 15 sẽ không thể thực hiện chỉnh hình hàm mặt. Lợi ích của việc chỉnh hình hàm mặt sớm trong độ tuổi từ 8–15 còn giúp bé không đau và dễ uốn nắn hàm hơn.
Về chi phí: Chỉnh hình từ nhỏ sẽ rẻ hơn rất nhiều so với khi đã lớn. Một so sánh chi phí để thấy lợi ích của việc chỉnh hàm khi còn bé và khi đã lớn: Lúc 8 tuổi, nếu chỉnh hình thì toàn bộ chi phí điều trị giai đoạn này chỉ từ 1.000 – 1.500USD (tại Việt Nam). Trong khi đó, nếu để bé lớn lên mới can thiệp, chi phí phẫu thuật sẽ vô cùng đắt đỏ. Ví dụ, chỉ cần cắt một xương hàm dưới tại Mỹ, phải mất từ 15.000 – 20.000USD (ở nước ta chưa thực hiện được việc cắt xương hàm dưới).
Các giai đoạn trong chỉnh hình răng hàm mặt
![]() |
Chỉnh hình có nhiều giai đoạn, bao gồm chỉnh hình, chỉnh răng.. |
Chỉnh hình có nhiều giai đoạn, bao gồm chỉnh hình, chỉnh răng
Giai đoạn 1 là giai đoạn chỉnh hình, chỉ có thể thực hiện ở độ tuổi từ 8–15. Mục đích của việc chỉnh hình là nhằm điều chỉnh xương hàm, môi, má và cơ mặt. Thời gian điều chỉnh tối thiểu là 6 tháng và tối đa một năm, tùy trường hợp.
Để chỉnh hỉnh, trẻ được đeo một khí cụ có khả năng tháo, lắp. Kích thước, hình dạng của vật này sẽ do bác sĩ chỉnh hình Răng – Hàm – Mặt chỉ định cho từng trường hợp cụ thể. Khí cụ này được Hiệp hội nha khoa thế giới và Hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ kiểm định và đánh giá tốt cho người điều trị. Suốt quá trình điều trị, cứ một tháng trẻ sẽ đến bác sĩ tái khám một lần để điều chỉnh cho thích hợp với từng giai đoạn. Trong thời gian chỉnh hình, trẻ bắt buộc phải đeo khí cụ 24 giờ/ngày kể cả lúc ăn, ngủ. Bé chỉ được tháo ra khi vệ sinh răng miệng và khí cụ theo đúng sự hướng dẫn của bác sĩ.
Tiếp đến là giai đoạn điều chỉnh răng bằng khí cụ cố định. Khí cụ này chỉ được tháo ra khi đã mang đủ thời gian điều chỉnh quy định. Chỉnh hình răng có thể thực hiện với bất kỳ độ tuổi nào. Và người điều trị cũng đến tái khám mỗi tháng một lần để bác sĩ điều chỉnh lại khung hàm, khí cụ cho phù hợp với từng tháng. Như vậy hiệu quả điều trị mới đạt hoàn hảo như mong muốn.
Tư vấn chuyên môn:
BS Hồ Quý Hào – BS Nguyễn Thị Bảo Yến
. Mỹ Lan
Tạp chí Sức Khỏe