TP.HCM: Cứu sống bà bầu mang thai lần thứ 6 bị xuất huyết nặng

Suýt mất mạng vì thai nhi làm tổ ở vết sẹo cũ

 

Mới đây, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) mới cứu sống một thai phụ 29 tuổi, mang thai lần thứ 6 bị xuất huyết ồ ạt. Thai phụ nhập viện trong tình trạng chảy máu âm đạo không thể cầm, ước chừng thai phụ đã bị mất tới gần 1 lít máu khi tới bệnh viện. Da nhanh nhợt, mạch đập nhanh.

 

Qua kiểm tra siêu âm, các bác sĩ phát hiện một túi thai 6 tuần tuổi bám ngay vào vị trí một vết sẹo. Vết sẹo này do vệt mổ cũ của lần sinh nở trước để lại.

 

Ngay lập tức các bác sĩ phải chuyển bệnh nhân vào phòng mổ gấp, can thiệp lấy khối thai ra ngoài để giữ lại tính mạng của người mẹ.

 

TP.HCM: Cứu sống bà bầu mang thai lần thứ 6 bị xuất huyết nặng 10

Các bác sĩ tiến hành mổ bóc tách khối thai bám vào vết sẹo cũ cho bệnh nhân

 

Qua khai thác bệnh sử, được biết bệnh nhân từng 5 lần sinh nở nhưng có 6 đứa con, do có 1 lần sinh đôi và phải mổ đẻ. Bệnh nhân này phát hiện có thai lần thứ 6 trước đó khoảng 2 tháng nhưng không đi khám, mặc dù có thấy có hiện tượng ra máu bất thường. Mãi tới tối ngày 19/5 khi mất máu quá nhiều người nhà mới đưa thai phụ tới bệnh viện. 

 

Bác sĩ Lê Ngọc Diệp, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết thai phụ đã mất máu quá nhiều may mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời.

 

Thai nhi làm tổ ở vết sẹo mổ cũ nguy hiểm như thế nào?

Những trường hợp như thai phụ kể trên không phải hiếm. Một trường hợp khác xảy ra vào tháng 2/2018. Chị BTT (39 tuổi), ngụ quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ phát hiện mang thai lần thứ ba khi đã được 5 tuần tuổi. Do đã sinh nở hai lần bằng phương pháp sinh mổ nên chị T quyết định đi hút thai.

 

3 tuần sau khi hút thai, chi T thấy hiện tượng đau bụng dữ dội kèo rong huyết. Tới bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ, các bác sĩ phát hiện trong bụng chị T có một nhau thai đang bám ở vết sẹo do lần sinh mổ trước để lại. Thậm chí khối nhau thai to, xâm lấn hết cơ tử cung vùng vết mổ, có nhiều mạch máu tăng sinh, có thể đã ảnh hưởng tới bàng quang.

 

Sau đó các bác sĩ tiến hành mổ để bóc tách khối nhau thai bám trên vết sẹo cũ. Bệnh nhân sau đó được khâu hồi phục sẹo mổ và bảo toàn nguyên vẹn tử cung.

 

Theo các bác sĩ, thai bám sẹo mổ lấy thai cũ là một dạng thai ngoài tử cung đặc biệt. Thông thường, khi trứng đã thụ tinh ở ống dẫn trứng thì vài ngày sau, trứng sẽ di chuyển vào buồng tử cung và phần lớn trứng thụ tinh sẽ bám ở lòng tử cung.

 

TP.HCM: Cứu sống bà bầu mang thai lần thứ 6 bị xuất huyết nặng 11

Thai nhi bám sẹo mổ lấy thai là một dạng mang thai ngoài tử cung nguy hiểm

 

Tuy nhiên với những thai phụ có sẹo ở tử cung do lần mổ thai trước, trứng đã được thụ tinh có thể không đi vào tử cung mà bám lại ở vết mổ cũ và làm tổ ở đó. Những loại thai này không thể phát triển hoặc phát triển thành nhau cài răng lược là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm trong sản khoa.

 

Thai bám vết mổ cũ không có triệu chứng điển hình, thường diễn tiến khó lường gây ra biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng thai phụ như: xuất huyết âm đạo ồ ạt, mất máu, khối thai to gây vỡ tử cung.

 

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo những thai phụ đã từng mổ lấy thai trước đó trong lần mang thai sau phải đặc biệt cẩn trọng. Khi thai phụ từng mổ lấy thai khi thấy xuất hiện những triệu chứng như trễ kinh, đau bụng, ra huyết âm đạo… cần phải đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân, xử lý kịp thời. Thậm chí với nhiều trường hợp thai nhi bám ở vết sẹo cũ chỉ có thể phát hiện khi khám thai định kỳ.

Việc xử lý thai bám sẹo mổ cũ còn phải tùy thuộc vào tuổi thai, kích thước túi thai. Bên cạnh đó các bác sĩ cũng phải căn cứ vào nguyện vọng của bà mẹ có muốn sinh con nữa hay không. Thông thường trong trường hợp tuổi thai nhỏ hơn 8 tuần, các bác sĩ sử dụng phương pháp đặt ống foley để đẩy khối thai ra khỏi vết mổ rồi hút thai sau 24 giờ. Trong trường hợp tuổi thai từ 8 đến dưới 14 tuần các bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp hủy thai.

Cũng theo các bác sĩ, hiện không có phương pháp nào để phòng ngừa tình trạng thai nhi bám vết sẹo mổ lấy thai. Các tốt nhất là chính các thai phụ đã từng mổ lấy thai thì nên có biện pháp ngừa thai hữu hiệu trong tối thiểu 2 năm. Khi có thai lại cần đi khám càng sớm càng tốt để phát hiện các bất thường.

                                                                                                                          Hà Ly (T/h)