Đó là bà Tôn Nữ Hoàng Hương (1934 – 2005) mà hầu như tất cả những người biết đến phương pháp dưỡng sinh tâm thể (DSTT) đều kính trọng, trìu mến gọi bà là má Hai Hương, không ít người còn gọi bà là “má Hai Bình Định”.
![]() |
DSTT ngày càng phát triển. (Ảnh: TNL) |
Bà sinh năm Giáp Tuất -1934, trong một gia đình khoa bảng và lương y nổi tiếng cả một vùng. Cụ ông là Tôn Thất Yên và cụ bà là Trần Thị Thừa, quê ngoại thôn An Lương, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Cha của bà người gốc Huế, dòng dõi Tôn Thất nên được cấp đất ở xã Ân Tường, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, vì vậy bà coi đây là quê nội của mình. Cụ ông mất vào năm 1986, thọ 83 tuổi, cụ bà mất năm 2005, thọ 94 tuổi, tại tỉnh Tây Ninh.
Năm 1952, bà lập gia đình với ông Lâm Minh Quang, quê ở Hoài Ân, tỉnh Bình Định, cũng dòng dõi khoa bảng, sau đó sinh ra người con gái đầu lòng là chị Lâm Thị Hoàng Anh. Bước ngoặt cuộc đời của bà là lúc mang thai anh Lâm Minh Chí vào năm 1963, không may khi sắp sinh bà bị tai nạn và chết lâm sàng trong 3 ngày. Ngày thứ ba, bà mơ màng như nhận được lời khuyên từ ai đó rằng con hãy xoa hai bàn tay, rồi xoa lên bụng mình. Bà cảm thấy trong người như có một nguồn năng lượng khác thường, bà xoa 2 bàn tay lại rồi xoa lên bụng với thôi thúc làm sao cứu được đứa con trong bụng. Thật may mắn, sau đó bà đã sinh ra bé trai hoàn toàn khỏe mạnh, đặt tên là Lâm Minh Chí.
Kỳ lạ là từ đó, bà Tôn Nữ Hoàng Hương có ước nguyện muốn rời nhà ra đi đến mọi miền quê để giúp mọi người mạnh khỏe và vượt qua bệnh tật. Bà quyết định nhờ con gái đầu là Lâm Thị Hoàng Anh chăm nom em và lo việc trong nhà (lúc đó chị Hoàng Anh mới 15 tuổi) để thực hiện ước nguyện của mình. Không phải dễ gì để cất bước ra đi làm việc thiện trong khi không ai yêu cầu hay ép buộc. Bà đang có một gia đình bình dị với chồng con, có hiệu tạp hóa nhỏ đủ sinh sống. Vậy mà bà vẫn quyết ra đi. Với đôi quang gánh trên vai, bà đi từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến miền biển, bà rao: “Cao đơn hoàn tán, thuốc dán, thuốc ho, ai xin thì cho, ai mua thì bán” để tiếp cận với mọi người. Chữa bệnh cho mọi người bằng thuốc nam chỉ là cái cớ, còn chủ yếu bà dùng đôi tay của mình xoa, vuốt, vỗ vào những chỗ đau của người bệnh. Sau đó cho người bệnh uống 1 cốc nước mát, chỉ có vậy mà bệnh tật đều tiêu tan, nhưng bà không hề nhận một đồng tiền của ai.
Địa điểm đầu tiên mà bà Tôn Nữ Hoàng Hương hành thiện giúp đời là Mũi Né, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Khi nghe tin má đang cứu chữa bệnh cho bà con ở tình Bình Thuận, chị Lâm Thị Hoàng Anh vội tìm đến tận nơi ở với hy vọng mời mẹ mình trở về với gia đình. Tuy nhiên, bà cương quyết ở lại để thực hiện tâm nguyện và bà động viên con gái tiếp tục thay mẹ chăm nom em, lo toan công việc gia đình để bà yên tâm giúp đời. Như “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, có lần thấy bà đi tới đâu người dân rủ nhau tới vây quanh rất đông, chính quyền ngụy nghi ngờ bà tuyên truyền cho Việt cộng nên đã bắt bà bỏ tù. Trong tù bà lại dùng đôi bàn tay của mình để xoa dịu những nỗi đau đòn roi cho các bạn tù.
Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, bà Tôn Nữ Hoàng Hương càng tận tâm với công việc chữa bệnh từ thiện của mình. Bà lại tiếp tục ngược xuôi khắp nơi chữa bệnh giúp người. Để có thêm người có khả năng chữa bệnh bằng phương thức như mình, bà đã hướng dẫn, đào tạo nên nhiều môn sinh mà sau này là những huấn luyện viên, hướng dẫn viên DSTT. Phương pháp độc đáo, đơn giản nhưng hiệu quả dần dần được lan truyền, phổ biến và được hàng trăm người dân bình dị từ duyên hải miền Trung đến đại ngàn Tây Nguyên như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk đón nhận. Đội ngũ môn sinh này là lực lượng nòng cốt cho giai đoạn thành lập những CLB và Trung tâm DSTT sau này. Với lối diễn đạt mộc mạc, chân phương, bà Hai Hương thường căn dặn các học trò của mình: “Ta làm việc giúp mọi người không phải là “thầy”, mà chỉ là người đi trước, hướng dẫn cho người đi sau để cùng nhau làm việc thiện. Hãy lấy chữ tâm làm gốc, tâm ta có trong sáng, thân mới khỏe mạnh, ý ta mới đứng đắn”.
Có một điều kỳ lạ nữa, trong khi chưa ai nghĩ rằng phương pháp chưa bệnh bằng cách tập luyện thu năng lượng của đất trời cùng với việc tu dưỡng với “tâm lành” sẽ có ngày phát triển ra tới Hà Nội, nhưng như nhà tiên tri, bà nói: “Chỉ vài ba năm nữa chúng ta sẽ có mặt tại thủ đô Hà Nội”. Điều tiên đoán đó đã thành hiện thực khi người đứng đầu Liên hiệp Khoa học Công nghệ và Tin học ứng dụng là Tổng giám đốc, TS Vũ Thế Khanh đã nhận ra hiệu quả kỳ diệu trong phương pháp chữa bệnh của má Hai Hương nên đã mời má và các môn sinh ra Hà Nội để tham gia hướng dẫn tập luyện giúp mọi người đẩy lùi bệnh tật.
![]() |
Bà Tôn Nữ Hoàng Hương đứng bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị “Giỏi kháng chiến – Giỏi kiến quốc”, tháng 12-1996. |
Trong nhóm người đầu tiên đặt chân ra Hà Nội để xúc tiến gặp ông Vũ Thế Khanh có anh Huỳnh Mỹ Cang (tức Sáu Cang) là người con Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, nay là Viện phó Viện Nghiên cứu ứng dụng DSTT Việt Nam. Nhận thấy phương pháp DSTT dễ hiểu, dễ tập, dễ phổ biến, không dùng thuốc mà chữa bệnh rất hiệu quả, lại mang tính nhân văn cao, cần phải được nghiên cứu nghiêm túc, năm 1995, tiến sĩ Vũ Thế Khanh đã quyết định thành lập “Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng DSTT”, sau này là “Viện nghiên cứu ứng dụng DSTT” do đại tá, nhạc sĩ, tiến sĩ Doãn Nho làm Viện trưởng. Cũng từ đó, phương pháp tập luyện hít thở thu năng lượng âm dương cũng như kết hợp tu tâm được TS Vũ Thế Khanh đặt tên là DSTT. Tại Hà Nội, từ 18 – 22/12/1996, bà được đi dự Hội nghị toàn quốc “Giỏi kháng chiến – Giỏi kiến quốc” và vinh dự được đứng bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm.
Anh Sáu Cang cùng các môn sinh khác thực hành DSTT tại Hà Nội, sau đó đã đi đến các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ, và trực tiếp tác động chữa trị bệnh tật cho bà con. Trên cơ sở kết quả “Nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật” đầy sức thuyết phục và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, nhiều địa phương đã cho ra đời các điểm tập tập thể, điểm tập gia đình, rồi từ đó thành lập các Câu lạc bộ DSTT, Trung tâm DSTT và Hội DSTT.
![]() |
CLB DSTT phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: TNL) |
Bà Tôn Nữ Hoàng Hương đã về cõi vĩnh hằng vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 12/5/2005 tức ngày 5/4 năm Ất Dậu, để lại muôn vàn tiếc thương cho mọi người tham gia DSTT trên cả nước. Điếu văn do ông Vũ Thế Khanh, TGĐ UIA đọc tại lễ truy điệu có đoạn: “Tuy tấm thân tứ đại của má trở về với đất, với trời, nhưng những cống hiến của má vẫn được ghi sâu trong tâm khảm muôn người. Phương pháp DSTT mà má đã khởi xướng sẽ còn được duy trì và phát triển mãi mãi mai sau. Má vẫn luôn luôn bên cạnh chúng ta, vẫn luôn luôn nhắc nhở các môn sinh đừng vì vắng má mà để chểnh mảng trong việc tập luyện DSTT. Vì hương linh của má vẫn luôn luôn có trong các điểm tập”. Một năm sau vào dịp giỗ đầu của má, Liên hiệp UIA đã tưởng niệm tri ân và tôn vinh bà Tôn Nữ Hoàng Hương danh hiệu “Sư tổ pháp môn”.
Từ ngày bà Tôn Nữ Hoàng Hương về cõi vĩnh hằng, phương pháp DSTT vẫn không ngừng phát triển, từ miền Tây bắc địa đầu Tổ quốc cho đến đại ngàn Tây Nguyên, đâu đâu cũng vang vọng lời ca: “Còn gì vui hơn thân ta khỏe mạnh, còn gì đẹp bằng tâm ta sáng như gương…” (Bài hát “Còn gì vui hơn” của nhạc sĩ Doãn Nho).
“Má về sống giữa liên đài Hương thơm ngào ngạt trải dài muôn phương Sống trong trời đất vô thường Mãi là ngọn đuốc soi đường chúng con”.
Tết đến, xuân về, những người tham gia DSTT càng nhớ đến bà Tôn Nữ Hoàng Hương, bởi DSTT đã đem lại niềm vui chiến thắng bệnh tật cho biết bao số phận, đó chính là mùa xuân hạnh phúc và đẹp nhất cho mỗi gia đình. Sau khi hết bệnh, nhiều người đã rèn “Tâm lành”, tu tâm tích đức, học hỏi kinh nghiệm, tập luyện DSTT, trở thành những huấn luyện viên, hướng dẫn viên và tình nguyện viên, đem phương pháp DSTT đến với mọi miền đất nước, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.
Ghi chép của Mạc Hữu Khoa – Từ Ngọc Lang