Báo Infonet đưa tin, hôm 14/5 vừa qua bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) tiếp nhận một trường hợp thai phụ nặng ký chuyển dạ sinh non. Bà bầu 27 tuổi quê ở Bình Phước nhập viện trong tình trạng vỡ ối, chuyển dạ sinh non con so, tiền sản giật nặng.
Do đầu thai nhi trong bụng thai phụ không xoay xuống hoàn toàn nên các bác sĩ chỉ định mổ sinh. Do thai phụ béo phì, cân nặng lên tới 102 kg, các bác sĩ đã rất khó khăn khi phải rạch lớp thành bụng rất dày mới có thể tiếp cận vào bên trong ổ bụng.
Ảnh minh họa
Lượng thuốc gây mê, gây tê sử dụng được các bác sĩ sử dụng tăng lên rất nhiều theo cân nặng của sản phụ. Đồng thời các bác sĩ cũng phải tiến hành rạch bụng rộng hơn mới có thể đưa được em bé ra ngoài.
May mắn ca sinh mổ vẫn diễn ra suôn sẻ. Bé trai nặng 3,7 kg chào đời nhưng bị viêm phổi, vàng da sơ sinh và nghi bị dạng nhẹ khớp háng. Sau đó bé được chuyển lên Khoa Sơ sinh để chăm sóc và khám vật lý trị liệu.
Về phần người mẹ, các bác sĩ phải tiến hành khâu thành bụng nhiều lớp hơn tuy nhiên vết mổ khó lành và có khả năng dễ nhiễm trùng.
Chia sẻ với các bác sĩ, sản phụ này cho biết chị lập gia đình từ năm 22 tuổi. Chị từng một lần mang thai nhưng bị sảy khi mới được 6 tuần.
Lần mang thai này với bà mẹ 27 tuổi cũng rất khó khăn. Chị cho hay từng bị nghén rất nặng trong ba tháng đầu và chỉ thèm uống nước ngọt. Từ cân nặng 85kg ở thời điểm trước khi mang thai chị đã tăng tới 10kg chỉ sau ba tháng đầu thai kỳ. Ở thời điểm sau khi sinh con bà mẹ trẻ đã tăng tổng cộng 17kg.
Được biết mỗi ngày, Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận khoảng 10 thai phụ đến tư vấn liên quan đái tháo đường và béo phì trong thai kỳ.
Theo các chuyên gia, phụ nữ béo phì có khả năng thụ thai thấp hơn so với người bình thường. Ngay cả trong trường hợp thụ thai thành công thì bà bầu béo phì cũng phải đối mặt với nguy sảy thai khá cao. Các chuyên gia lý giải, tỷ lệ sảy tăng cao ở bà bầu béo phì là do chất lượng phôi kém cùng với tình trạng thay đổi lớp nội mạc tử cung ở người béo phì. Thai phụ béo phì có nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật và nhiều biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Hệ thống cơ xương phải chịu một lúc cả trọng lượng thai và trong lượng dư thừa của cơ thể mẹ. Mẹ bầu béo phì có tỷ lệ mang thai nhi dị tật bẩm sinh rất cao. Nguy cơ thai nhi tử vong ở tử cung và sinh non gấp 2-3 lần. Khi đến giai đoạn chuyển dạ sinh, ngôi thai bất thường, sinh khó do phần mềm quá nhiều. Hầu hết bà bầu béo phì phải sinh mổ nhiều hơn là sinh thường. Trong giai đoạn hậu phẫu tình trạng liền sẹo của mẹ bầu chậm, dễ bị ứ dịch lòng tử cung.
Bà bầu thừa cân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý Em bé sinh ra khả năng đề kháng kém, dễ bị nhiễm trùng sơ sinh. Khoa học đã chứng minh trẻ được sinh ra bởi những bà mẹ béo phì sẽ dễ bị mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch và cả béo phì. Các chuyên gia khuyến cáo, các thai phụ thừa cân béo phì cần đặc biệt chú ý tới chế độ dinh dưỡng, vận động. Chú ý dung nạp các loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, phơi nắng để tích lũy vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Bà bầu thừa cân nên ăn thịt nạc, cá, tôm, cua, đậu. Không nên ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều cholesterol và chất béo khác. Khi chế biến thức ăn nên chế biến dưới dạng luộc, hấp, hạn chế chiên xào, để giảm lượng dầu mỡ vì ăn nhiều dầu thực vật cũng vẫn bị béo. Chế độ ăn một ngày vẫn đủ ba bữa nhưng nên ăn nhiều vào bữa sáng, giảm về trưa, ăn hạn chế về buổi tối. Vẫn cần ăn đều đặn tuyệt đối không bỏ bữa. Cung cấp đủ vitamin và muối khoáng. Ngoài ra, bà bầu cũng nên thường xuyên vận động như đi bộ, bơi lội hoặc yoga trước khi sinh giúp điều chỉnh cân nặng và hạn chế việc sản xuất insulin. |
Hà Ly (Th)