Làm gì để trẻ em không

Bên cạnh những hiệu ứng tích cực không thể phủ nhận thì việc các trang video trực tuyến ngày càng phát triển cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Làm gì để trẻ em không 9
Phụ huynh nên dành nhiều thời gian chơi với con, hạn chế dùng điện thoại, máy tính bảng và xem tivi nếu không có sự giám sát của người lớn (Ảnh minh họa).

Thực tế phản ánh, trên trang mạng xã hội, kênh video giải trí gần đây xuất hiện vô số clip, hình ảnh có nội dung phản cảm, tiềm ẩn nhiều yếu tố độc hại hướng tới các em nhỏ.

Cơn bão clip độc hại với các em nhỏ

Cùng với sự bùng nổ về công nghệ, trên các trang mạng đồng thời có không ít clip, video hoạt hình liên quan đến cảnh máu me, giết chóc, hướng dẫn người xem tự làm hại bản thân được đăng tải rộng khắp. Từng khiến dư luận trong và ngoài nước bất an là loạt phim hoạt hình “Happy Tree Friend” với chục triệu lượt người xem, trong đó nội dung loạt phim này hướng dẫn những ai đang theo dõi cách tự tử. Đáng chú ý, người dân nước ta từng tỏ thái độ bức xúc khi phát hiện một kênh trên Youtube đã sản xuất các clip có nhân vật Spiderman (người nhện) và nữ hoàng băng giá Elsa – vốn là các nhân vật hoạt hình dành cho trẻ em nhưng lại có nội dung phản cảm, không phù hợp với tâm sinh lý các em nhỏ.

Theo dõi nhiều clip có tên gọi “Người nhện và Nữ hoàng băng giá” được đưa lên kênh Youtube, người xem không khỏi hoảng hốt bởi phần lớn nội dung chứa cảnh kinh dị, máu me, đâm chém nhau kinh hoàng và có cả chi tiết nhạy cảm, yêu đương người lớn… do diễn viên Việt Nam cosplay (tạo hình giống nhân vật trong truyện) đóng. Trong một cảnh, khán giả thấy Elsa bị trói vào gốc cây để cắt lưỡi giả kèm những âm thanh la hét kinh hoàng ám ảnh. Ở một clip khác, trên bãi cỏ, người đàn ông trong trang phục ông già Noel đang nằm lên người rồi hôn lên cổ cô gái khiến nhiều người không khỏi giật mình. Bởi vậy, dù là những sản phẩm dành cho đối tượng được “biết ăn biết ngủ, biết học hành là ngoan” song phía sản xuất các clip người nhện và Elsa đã “cài bẫy” người xem, bộc lộ sự yếu kém về đạo đức cũng như tư duy thẩm mỹ kém cỏi.

Hoặc một người dùng có tên Thơ Nguyễn từng đăng tải nhiều clip lên kênh Youtube, trong đó có những video không thực sự phù hợp với trẻ như video “Thí nghiệm đun lon nước và cái kết”. Trong video này, mô tả cảnh dùng lửa đốt 4 lon nước ngọt và bia để xem hiện tượng khi đốt. Dù cảnh báo rằng đây là một thí nghiệm và đề nghị các trẻ không làm theo nhưng không ai biết trẻ có làm theo hay không? Nếu giả sử những đứa trẻ theo dõi clip này vì sự tò mò khiến chúng làm theo thì những hậu quả xảy ra đều không thể lường tới. Cho đến gần đây, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin – Truyền thông) đã yêu cầu Google – đơn vị chủ quản mạng xã hội video Youtube lập tức gỡ bỏ các clip có nội dung phản giáo dục, hướng dẫn người xem tự hại mình, thậm chí là bày cách để khán giả xem xong rồi tự sát thông qua một nhân vật hoạt hình Momo kinh dị. Qua đây thêm một lẫn nữa cho thấy cơn bão clip độc hại đã, đang mạnh dần trên môi trường số.

Phòng tránh bằng cách nào?

Thống kê cho thấy, ở Việt Nam, số người sử dụng internet là 49 triệu người và cứ 400 trẻ em thì có 78% trẻ sử dụng internet. Việc tiếp cận với internet giờ đây rất đơn giản, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng có kết nối mạng là các em nhỏ có thể truy cập vào các trang web, kênh video, ứng dụng video… để xem phim hoạt hình, clip ca nhạc mà các em quan tâm, yêu thích.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, những rủi ro trên môi trường số rất khó lường và ngày càng có nhiều mối nguy hại như nhiều clip kể trên. Bà Phương Linh cho rằng, để con trẻ không tiếp cận được các clip, video độc hại thì vấn đề quan trọng là phải nâng cao ý thức của trẻ, để trẻ tự ra quyết định xem trò chơi, clip đó có gây hại không và không tham gia. Đặc biệt, cơ quan chức năng và doanh nghiệp công nghệ phải cùng vào cuộc hỗ trợ ngăn chặn, cung cấp thông tin truyền thông cho cộng đồng rộng rãi để mọi người có thể biết được, hỗ trợ trẻ nói riêng để trẻ biết được tốt – xấu.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, cha mẹ không thể cấm con trẻ xem các video trên mạng bởi đa số các em nhỏ có tính hiếu động, tò mò nhưng cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ đi đúng đường. Các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian chơi với con, hạn chế dùng điện thoại, máy tính bảng vào mạng trước mặt con. Đặc biệt, không nên cưng chiều, dỗ dành con nhỏ bằng cách mở điện thoại, máy tính để vào mạng cho con trẻ xem clip, video vì hành động này chẳng khác gì “mở đường cho hươu chạy”. Nhà trường cũng nên kết hợp với gia đình có hình thức giáo dục, tuyên truyền cho trẻ dần hiểu và hình thành ý thức, biết chọn lọc thông tin. Ngoài ra, nhà trường cần đưa các chương trình giáo dục về các mối nguy hại trên internet vào giảng dạy, cũng như tổ chức các trò chơi, bài kiểm tra để học sinh hiểu rõ những nguy cơ ở lứa tuổi của mình. Hơn ai hết, chính các em sẽ nhận thức và điều chỉnh hành vi cho phù hợp nếu nhận được sự trợ giúp hữu ích từ cộng đồng.

Quỳnh Phạm