Theo bác sĩ CK II Trịnh Hữu Tùng, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, sốt xuất huyết không phải là bệnh miễn dịch suốt đời, cũng chưa có vaccine phòng bệnh. Đặc biệt, là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chủ yếu đốt và truyền bệnh vào ban ngày, nên cách phòng bệnh cho trẻ duy nhất là phải mắc màn khi ngủ ban ngày.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết
Cách nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết: Sốt cao đột ngột 39-400C kéo dài, không kèm theo ho, sổ mũi. Trên người nổi những nốt xuất huyết ngoài da, thường là ở cánh tay, cẳng chân. Trẻ có thể đau bụng ở hạ sườn cuối bên phải do gan to lên, ngày thứ ba có thể bị chảy máu cam, chảy máu chân răng… Nặng hơn, trẻ có thể xuất huyết tiêu hóa như nôn ói hoặc đi tiêu ra máu, tay chân lạnh, đau bụng, trụy tim mạch (sốc).
Theo đó, bệnh sốt xuất huyết thường sốt cao từ 2 đến 7 ngày. Triệu chứng nguy hiểm có thể xảy ra là sốc trụy tim mạch, thường xảy ra từ ngày thứ ba đến ngày thứ sáu của bệnh, khi trẻ đã hết sốt. Bé có thể trở nặng vào sốc, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không phát hiện kịp thời.
Nếu trẻ đã bệnh qua ngày thứ bảy, hết sốt được 48 giờ mà không cần dùng thuốc hạ nhiệt, bé tươi tỉnh hơn, biết chơi và đòi ăn trở lại thì có thể yên tâm.
Trẻ nhũ nhi và trẻ béo phì: rất khó điều trị
Bác sĩ Đinh Anh Tuấn, Phó khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, cảnh báo: “Sốt xuất huyết gây suy hô hấp rất nhanh do lượng dịch tràn màng phổi làm cho em bé khó thở, suy hô hấp… Nên giám sát chặt nhiệt độ khi trẻ bị sốt cao để phòng tránh co giật. (Cho bé dùng thuốc hạ sốt, lau mát, nếu bị co giật thì cho bé nằm thấp, nghiêng đầu một bên, lấy vật dụng cứng nhưng có quấn gạc mềm xung quanh để giữa hai hàm răng của bé)”.
Trẻ bị sốt xuất huyết rất dễ bị chảy máu, kể cả mũi kim tiêm thuốc nên thận trọng khi can thiệp các tiểu phẫu, thời gian này nếu trẻ có thay răng cũng tuyệt đối không được nhổ.
Hai đối tượng điều trị khó nhất ở bệnh nhi là trẻ nhũ nhi và trẻ béo phì vì thường được phát hiện muộn. Vì vậy, gia đình có trẻ nhũ nhi cũng phải tuyệt đối lưu ý bệnh sốt xuất huyết ở lứa tuổi này. Trẻ nhũ nhi ít bị sốt xuất huyết nhưng khi bị thì nguy cơ nặng và tử vong cao hơn trẻ lớn. Nguyên nhân là do ở trẻ nhỏ, bệnh biểu hiện không đặc hiệu, diễn tiến ở trẻ nhỏ lại dễ nặng hơn trẻ lớn, nên khó dự kiến việc xuất hiện sốc và khó dự liệu kết quả điều trị. Trẻ nhỏ bị sốt xuất huyết thường có ba dấu hiệu: sốt cao, có chấm xuất huyết dưới da (thường gặp nhiều nhất ở hai chân) và dấu hiệu gan to. Ngoài những dấu hiệu vừa kể, trẻ nhũ nhi bị sốt xuất huyết còn có các dấu hiệu không đặc hiệu như ho, sổ mũi và tiêu chảy đi kèm. Vì thế, nhiều bà mẹ hay đưa bé đi khám tiêu hóa. Không chỉ gia đình nhầm, nhiều bác sĩ không chuyên khoa cũng dễ bị… nhầm.
![]() |
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, để phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi, khi trẻ sốt cao từ 2 ngày trở đi, cha mẹ phải nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và hướng dẫn điều trị. Khi cần thiết, bác sĩ điều trị sẽ cho thử máu để theo dõi diễn tiến bệnh. Cũng như ở trẻ lớn, khi thử máu trẻ nhũ nhi bị sốt xuất huyết sẽ phát hiện thêm tình trạng cô đặc máu, biểu hiện bởi sự gia tăng dung tích hồng cầu, và giảm số lượng tiểu cầu.
Khi nào cần đưa trẻ nhập viện?
Khi trẻ nhỏ bị sốt xuất huyết, không nhất thiết phải cho trẻ nhập viện, có thể chăm sóc tại nhà. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol (liều dùng 10-15 mg/ kg/lần cách mỗi lần 4 giờ, có thể dùng thuốc uống hoặc thuốc nhét hậu môn), lau mát bằng nước ấm. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước để tránh bị cô đặc máu, ép trẻ uống nước hoa quả (nước dừa, cam, chanh, quất…), nước đun sôi để nguội, nước Oresol, ăn lỏng dễ tiêu, nghỉ ngơi. Lưu ý là không cho trẻ ăn/ uống những thực phẩm có màu đỏ trong thời gian bị bệnh sốt xuất huyết vì rất khó phân biệt khi bệnh nhân bị nôn ra thực phẩm hay ra máu.
BẠN NÊN BIẾT
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm siêu vi trùng cấp tính do 4 type huyết thanh virus Dengue gây ra. Bệnh này nguy hiểm vì có thể gây tử vong nhanh chóng và hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có thuốc chủng ngừa. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và có thể gây dịch lớn ảnh hưởng nặng nề cho người dân và xã hội. Bệnh lây truyền qua trung gian muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn). Đây là loại muỗi sống ngay trong nhà hoặc xung quanh nhà chúng ta, đẻ trứng ở những chỗ chứa nước sạch (lu vại, bình cắm hoa, những vật dụng phế thải vứt quanh nhà chứa đựng nước mưa). |
Tuy nhiên, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi thấy bé có một trong những biểu hiện sau: lừ đừ, tay chân lạnh, đau bụng, ói ra máu, tiêu phân đen, chảy máu răng, chảy máu mũi. Không nên cạo gió, cắt lễ vì vừa làm đau, vừa có thể gây chảy máu và nhiễm trùng cho bé. Không tự ý cho bé uống thuốc Aspirine vì có thể gây chảy máu dạ dày, rất nguy hiểm. Theo dõi sát các cháu, không được lơ là mất cảnh giác. Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo, không nên đốt nhang muỗi, phun thuốc xịt muỗi hay bôi các loại kem chống muỗi cho trẻ nhỏ, vì chưa có nghiên cứu nào đề cập về sự ảnh hưởng của các loại hóa chất tẩm trong đó đối với bé.
Ngoài ra, mùa lạnh cũng mùa dễ gây dị ứng với các trẻ có cơ địa dị ứng, hen suyễn nên việc đốt nhang muỗi làm cho trẻ dễ bị ngạt, dị ứng đường hô hấp… Các loại kem chống muỗi khi bôi cho trẻ nhỏ, nhiều khi trẻ không biết, đưa tay lên miệng mút, sẽ bị ngộ độc hoặc dị ứng hóa chất gây ảnh hưởng sức khỏe…
. Thanh Thủy
Theo Tạp chí Sức Khỏe