Điều trị và chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) hiện nay vẫn được xem là bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em. Vì bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng ngừa.

Bệnh lây qua vật chủ trung gian là muỗi vằn. Một điểm đáng chú ý là sốt xuất huyết ở trẻ em phổ biến hơn cả, vì ở trẻ khả năng đề kháng còn thấp, trẻ chưa có thể tự phòng tránh nên trở thành đối tượng dễ dàng bị muỗi đốt. Nguy hiểm hơn, bệnh có những biểu hiện ban đầu rất khó nhận biết nhưng tiến triển của bệnh lại rất nhanh khiến tỷ lệ tử vong của bệnh vẫn còn khá cao.

Bệnh SXH ở trẻ nếu không chú ý rất khó nhận biết
Vào những ngày đầu, những triệu chứng của bệnh SXH thường không đặc hiệu, nên không thể phân biệt với nhiễm các loại vi rút khác. Tuy nhiên có những triệu chứng gợi ý sau đây phụ huynh cần chú ý:
– Trẻ em thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, thời gian sốt từ 2-7 ngày, kèm những biểu hiện như đỏ bừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu. Trong một số trường hợp, trẻ có thể kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn.

– Tiếp sau đó, trẻ có thể biểu hiện dấu hiệu xuất huyết như: chấm xuất huyết, còn gọi là petechiae (những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào) thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi (chảy máu cam), chảy máu răng, đi cầu ra máu. Ở nữ tuổi dậy thì có thể xuất huyết âm đạo. Những triệu chứng xuất huyết này ít xảy ra vào những ngày đầu. Gan có thể to sau một vài ngày. Xét nghiệm công thức máu vào thời gian này, kết quả cho thấy giảm bạch cầu, đó là dấu hiệu cảnh báo khả năng sốt xuất huyết Dengue.

– Từ ngày thứ 3-7 của bệnh, trẻ giảm sốt hoặc hết sốt hẳn với những biểu hiện hồi phục dần dần như trẻ tỉnh táo, ăn uống ngon miệng, tiểu nhiều…Tuy nhiên, phụ huynh cần hết sức lưu ý, có một số bệnh nhi xuất hiện các dấu hiệu trở nặng, những trường hợp này cần cho trẻ nhập viện ngay để điều trị tích cực hơn.

– Một số trường hợp có thể diễn tiến đến sốc sốt xuất huyết rất nguy hiểm cho trẻ. Một số trường hợp biểu hiện tổn thương các cơ quan nội tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim hoặc xuất huyết trầm trọng, có thể kèm hoặc không kèm theo tình trạng cô đặc máu và sốc.

Điều trị và chăm sóc đúng cách bệnh SXH ở trẻ em
Việc điều trị bệnh nhi SXH cần phải tuân thủ hoàn toàn theo phác đồ điều trị bệnh SXH do Bộ Y tế ban hành từ ngày 16 tháng 2 năm 2011. Tuy nhiên, hầu hết những trẻ mắc SXH Dengue (SXH độ nhẹ và trung bình) đều được bác sĩ cho theo dõi và chăm sóc tại nhà theo những nguyên tắc quan trọng cơ bản sau đây:
1. Hạ sốt đúng cách cho trẻ:
– Khi trẻ sốt từ 38,50C-390C cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol loại đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng, 4-6 giờ một lần.
– Cha mẹ cũng có thể lau mát cho trẻ bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật cho trẻ, nhất là trẻ đã có tiền sử sốt cao co giật trước đây.

2. Đảm bảo việc bù nước và chế độ dinh dưỡng cho trẻ bao gồm:
– Cho trẻ uống nhiều nước: bằng nhiều loại nước uống khác nhau như nước lọc, nước sôi để nguội, nước cam, nước chanh, nước dừa tươi, nước canh, nước cháo…và nên cho trẻ uống dung dịch Oresol là cách bù nước hiệu quả trong bệnh SXH.

sốt xuất huyết trẻ em,cách phát hiện trẻ bị sốt xuất huyết,làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết,cách chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết,dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết

– Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo dinh dưỡng, súp rau củ, sữa uống các loại…kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp trẻ mau lành bệnh.
– Tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ: bệnh SXH được bác sĩ hẹn tái khám mỗi ngày.

3. Phát hiện sớm dấu hiệu bệnh trở nặng để cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời:
– Phải theo dõi sát vì thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh SXH là khi trẻ hết sốt(thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6) trẻ có thể trở nặng và sốc dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.

4. Tuyệt đối tránh những tác động không tốt sau đây:
– Không nên cạo gió, cắt lể vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ.
– Không tự ý cho trẻ uống thuốc Aspirine hoặc Ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày.
– Không cho trẻ uống những loại nước có màu đen hoặc đỏ như Coca, Pepsi, Xá xị…vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ
– Không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện, vì đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh trở nặng và kéo dài, dễ gây phù nề, suy tim nặng… khi chuyển đến bệnh viện thỉ đã quá trễ không thể cứu sống được trẻ.

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ cần phải được nhập viện
Từ ngày thứ 3-ngày thứ 7 của bệnh trẻ bắt đầu hạ sốt khoảng 37,5 oC-38oC hoặc thấp hơn, một số bệnh nhi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo sau đây:
– Trẻ ói mửa nhiều đau bụng.
– Bứt rứt quấy khóc lừ đừ li bì tay chân nhớp lạnh, tím, vã mồ hôi.
– Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói máu, đi tiêu phân đen.
Nếu phát hiện trẻ có một trong những dấu hiệu kể trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện.

sốt xuất huyết trẻ em,cách phát hiện trẻ bị sốt xuất huyết,làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết,cách chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết,dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết

Một số biện pháp phòng tránh bệnh SXH cho trẻ em hiện nay
– Không cho trẻ vui chơi, sinh hoạt dưới những nơi có môi trường tối tăm, ẩm thấp, ao tù nước đọng.
– Nên cho trẻ ngủ mùng và mặc quần/áo dài tay cả ngày lẫn đêm để tránh muỗi.
– Dùng một số biện pháp diệt muỗi tại nhà như: sử dụng bình xịt, thắp nhang muỗi, phun thuốc chống muỗi…
– Đậy kín các vật dụng chúa nước như lu, vại, khạp, chậu…đây là nơi giúp muỗi có điều kiện sinh sản và phát triển.
– Phát quang bụi râm và vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát.

BS. Đinh Thạc
BV Nhi Đồng 1, TP.HCM

Theo Tạp chí Sức Khỏe